Home Bài nghiên cứu về Bảo tàng học ĐÀO TẠO CÁN BỘ BẢO QUẢN CHO BẢO TÀNG - CÔNG VIỆC CẦN KÍP
Thứ năm, 24-09-2020   
     
ĐÀO TẠO CÁN BỘ BẢO QUẢN CHO BẢO TÀNG - CÔNG VIỆC CẦN KÍP

 

 

Sử dụng biện pháp kỹ thuật để bảo quản, tu sửa, phục dựng di sản văn hoá thuộc phạm trù khoa học tự nhiên, nhưng lại là công việc quan trọng của bảo tàng, có mối quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau với các môn khoa học xã hội chuyên ngành như sử học, khảo cổ học, nhân học, nghệ thuật... Vì thế, bộ môn khoa học nghiên cứu bảo quản hiện vật ra đời, một sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, điều này càng làm nổi bật tính đặc thù và sự phong phú của bảo tàng học.


 

Theo Cơ sở Bảo tàng học Trung quốc: "Bảo quản hiện vật là khoa học nghiên cứu quy luật biến đổi chất lượng của di sản văn hoá nhân loại và những di tồn của hiện tượng thiên nhiên trong khoa học tự nhiên, là khoa học nghiên cứu nhằm ngăn chặn và làm chậm quá trình biến đổi chất, khống chế và hạ thấp tốc độ biến chất, tiến hành phòng và chữa một cách tổng hợp sự hư hỏng và biến dạng của hiện vật, chống lại sự phá hoại của thiên nhiên đối với hiện vật"[1]. Liên quan đến công việc chuyên môn này có các chức danh: cán bộ quản lý sưu tập (collections manager), cán bộ bảo quản (conservator) và cán bộ khoa học bảo quản (conservation scientist). Yêu cầu chuyên môn, kỹ năng và nhiệm vụ của họ nhìn chung được xác định như sau:    
Cán bộ quản lý sưu tập (collections manager) là những người chịu trách nhiệm quản lýý sưu tập, có nhiệm vụ phát huy giá trị của sưu tập, lập kế hoạch hoạt động để quảng bá sưu tập, để sưu tập được tiếp cận với công chúng nhiều hơn. Để làm được công việc này họ thường xuyên giới thiệu hiện vật với các nhà nghiên cứu khác, với cán bộ trưng bày và cán bộ giáo dục. Họ cũng có mối quan hệ công việc thường xuyên với cán bộ kiểm kê. Cũng như cán bộ kiểm kê, họ tham gia vào việc sắp đặt, bố trí hiện vật trong kho, tư liệu hoá các hiện vật đó thông qua việc nhận dạng, miêu tả, ghi chép, xác minh thông tin, chụp ảnh và đánh số hiện vật. Họ còn có nhiệm vụ tổ chức và trông coi kho bảo tàng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát môi trường của hiện vật ở trong kho và ở gian trưng bày. Họ tiến hành các biện pháp bảo quản phòng ngừa đối với hiện vật. Bảo tàng càng lớn, càng nhiều hiện vật thì càng nhiều cán bộ quản lý sưu tập. Bảo tàng nhỏ đôi khi không có người quản lý sưu tập mà chỉ có cán bộ kiểm kê kiêm quản lýý sưu tập. Chuyên môn chính của cán bộ quản lý sưu tập là chuyên ngành của bảo tàng đó, liên quan đến sưu tập đó. Tuy nhiên, các cán bộ này được đào tạo thêm về bảo tàng học, đặc biệt về bảo quản phòng ngừa (preventive conservation) để có thể tự kiểm soát môi trường bảo quản hiện vật trên những nguyên tắc cơ bản.
Cán bộ bảo quản (conservator) có hai nhiệm vụ, vừa phải có hiểu biết về sưu tập để giới thiệu di sản đến công chúng, vừa phải có hiểu biết về khoa học bảo quản để tham gia gìn giữ lâu dài các di sản đó cho thế hệ mai sau. Cán bộ bảo quản có thể là chuyên gia về một loại hình sưu tập nào đó, ví dụ như vải, đồ gốm. tranh, đồ gỗ hoặc ảnh.... Họ có trách nhiệm đối với hiện trạng vật chất của hiện vật. Họ theo dõi hiện vật, kiểm tra, đề xuất biện pháp cứu chữa hiện vật và bảo vệ sưu tập khỏi tiếp tục hư hỏng. Ngoài chuyên môn chuyên ngành liên quan tới bảo tàng, họ phải được đào tạo thêm về khoa học bảo quản (conservation sciensce) hoặc các bộ môn khác có liên quan như: lý, hoá, sinh, vật liệu, ảnh...Hình thức đào tạo không nhất thiết phải có thêm một bằng đại học nữa, mà phổ biến là đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ. Đối tượng nghiên cứu, làm việc của họ là các sưu tập hiện vật, họ có nhiệm vụ gìn giữ các sưu tập đó trong một môi trường khí hậu tối ưu nhất trong điều kiện có thể, dự báo các nguy cơ có thể xâm hại hiện vật, thực hiện các biện pháp để phòng tránh.
Các bảo tàng lớn và có điều kiện thì tổ chức công tác bảo quản một cách khoa học và có kỹ thuật hơn. Chuyên môn bảo quản trị liệu/chữa trị (curative conservation) là một lĩnh vực khoa học chuyên sâu. Cán bộ khoa học bảo quản (conservation scientist) là chức danh đặc biệt của bảo tàng. Không phải ở bảo tàng nào cũng có chức danh này, ngay cả ở một số bảo tàng của các quốc gia phát triển. Chỉ một số bảo tàng lớn có phòng thí nghiệm bảo quản mới có chức danh này, còn lại người ta sử dụng các cộng tác viên tư vấn từ các viện và trung tâm nghiên cứu bảo quản khác. Ngoài chuyên môn được đào tạo chính về kỹ thuật bảo quản như vật lý, hoá học, sinh học, khoa học về bảo quản, khoa học về vật liệu, các cán bộ khoa học bảo quản phải có một số năm kinh nghiệm công tác trong bảo tàng. Điều này rất quan trọng bởi vì sự thiếu hiểu biết về môi trường, giá trị lịch sử văn hoá, khoa học của hiện vật rất có thể làm mất đi tính nguyên gốc khi ta tác động vào chúng. Ở Mỹ, đối với một cán bộ mới tốt nghiệp đại học để được công nhận chức danh cán bộ khoa học bảo quản phải trải qua 6 năm công tác thực tiễn, đối với người có trình độ thạc sĩ cần 4 năm và tiến sĩ cần 2 hai năm. Họ có nhiệm vụ tư vấn cho các truởng kho xây dựng kế hoạch và định hướng hoạt động của phòng thí nghiệm bảo quản của bảo tàng. Cùng với các cán bộ bảo quản, cán bộ quản lý sưu tập, các curator (người nghiên cứu sưu tập) họ tiến hành kiểm tra hiện vật bằng mắt, bằng các thiết bị kỹ thuật xác định nguồn gốc hiện vật, chất liệu và kỹ thuật chế tác của nó, mức độ hư hỏng, tác động vào hiện vật đó bằng những biện pháp kỹ thuật để quá trình hư hỏng dừng lại hoặc diễn biến chậm hơn. Họ là những "bác sĩ" đặc biệt trong lĩnh vực bảo tàng. 
Công tác đào tạo cán bộ khoa học bảo quản rất được chú trọng trong bộ môn bảo tàng học (museology/museum studies) hoặc nghiên cứu/ quản lý di sản văn hóa (cultural heritage studies/ cultural heritage management). Có nhiều trường đại học trên thế giới có chương trình đào tạo về khoa học bảo quản (conservation science). Cho đến nay, các trường đào tạo về bảo tàng học ở nước ta vẫn chỉ có một chương trình giảng về bảo quản ngắn và sơ lược. Chương trình này giới thiệu tầm quan trọng, ý nghĩa và những nguyên tắc, chỉ dẫn có tính lý thuyết của công tác bảo quản (có 45 tiết tương đương với 3 đơn vị học trình) chia thành 2 phần: Tổ chức, sắp xếp kho và Kỹ thuật bảo quản hiện vật. Ngoài việc học lý thuyết kể trên, trường có địa điểm dành cho phòng thí nghiệm nhưng chưa có các thiết bị máy móc và mẫu dùng để phân tích và làm thực nghiệm bảo quản hiện vật để cho sinh viên thực hành. Hàng năm nhà trường có một số thời gian đưa sinh viên đi thực tập ở bảo tàng, nhưng không có thực hành về công tác bảo quản. Một cán bộ giảng dạy bộ môn này có ý kiến: "Trong một vài năm gần đây sinh viên có được kết hợp học thực tế tham quan kho tại các bảo tàng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hoạt động này mới chỉ mang tính hình thức chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhằm bổ trợ kiến thức thực tế cho sinh viên"[2]. Vì đào tạo không chuyên sâu về từng lĩnh vực của bảo tàng, sau khi sinh viên của ta tốt nghiệp về nhận công tác tại các bảo tàng chưa thể làm việc được ngay, chưa thể thao tác các kỹ năng cụ thể tại bảo tàng trong đó khó nhất là kỹ thuật bảo quản hiện vật.
Một cán bộ bảo tàng, vốn là sinh viên của trường này được đi thực tập tại Mỹ về công tác bảo quản hiện vật trong 6 tháng. Khi thấy các sinh viên Mỹ xử lý bảo quản hiện vật thành thạo, so sánh với chương trình đào tạo của ta, cán bộ này nhận thức rằng chính phương pháp dạy trên thực tế đã giúp họ có khả năng như vậy và đã đề nghị với Khoa Bảo tàng, trường Đại học Văn hoá Hà Nội cải cách chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo.
Cũng theo "Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc" nội dung cơ bản của khoa học kỹ thuật bảo quản hiện vật bao gồm:
1- Phân tích kết cấu thành phần của hiện vật.
2- Tìm quy luật biến đổi chất của hiện vật.
3- Điều tra rõ môi trường chôn cất của hiện vật ở dưới lòng đất.
4- Nghiên cứu hiện vật trong môi trường bảo quản của bảo tàng.
5- Phương pháp bảo dưỡng hiện vật.
6- Kỹ thuật tu sửa hiện vật.
7- Kỹ thuật đo lường và xác định niên đại của hiện vật.
8- Kỹ thuật phục dựng hiện vật.
9- Kỹ thuật chế tác tiêu bản thiên nhiên.
Từ 9 mục công việc nêu trên, xem ra công tác bảo quản kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho công tác ấy không phải là câu chuyện giản đơn. "Bảo quản, tu sửa và phục chế hiện vật là công việc vừa đòi hỏi những kiến thức sâu về kỹ thuật vừa đòi hỏi sự tích luỹ kinh nghiệm, nhưng trong nhà trường việc dạy bảo quản còn rất kém, lý thuyết chung chung, thiếu kiến thức cơ bản về hoá học cũng như sinh học không có thực nghiệm. Nhà trường không có phòng thí nghiệm cho công tác phục chế, không có người chuyên làm phục chế. Trong khi đó công tác phục chế đòi hỏi sự chuyên sâu và tay nghề cao... Cho nên sinh viên tốt nghiệp gần như không thể tác nghiệp được về lĩnh vực phục chế hiện vật cho bảo tàng."[3]
Hầu hết bảo tàng còn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ của hiện vật, tu sửa, phục dựng hiện vật và ít quan tâm đến nâng cao năng lực cán bộ bảo quản. Trong hệ thống bảo tàng cả nước mới chỉ có vài bảo tàng có phòng Kỹ thuật bảo quản, có 20 cán bộ  đăng ký vào danh sách cán bộ bảo quản (conservator) của SPAFA -SEMEO[4], trong số đó có 10 người là cán bộ kỹ thuật bảo quản (conservation scientist). Để giải quyết khó khăn thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật bảo quản, một số bảo tàng đã mời chuyên gia tư vấn và thực hành bảo quản: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam kết hợp với Viện hoá, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng để bảo quản hiện vật bằng chất liệu kim loại; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kết hợp với Trung tâm dự trữ Quốc gia và khoa Hoá Đại học Khoa học Tự nhiên để bảo quản hiện vật thuộc chất liệu vải, giấy và kết hợp với các nghệ nhân để bảo quản hiện vật gỗ; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với Công ty Hoá chất để bảo quản tranh; Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp với Viện Hoá, Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng để bảo quản giấy, vải.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá thông tin, nhiều cơ quan, bảo tàng đang chú ý đến đào tạo cán bộ bảo quản: Cục Di sản văn hoá, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Một vài dự án về bảo quản đã được thực hiện ở một số bảo tàng lớn. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Hiệp hội thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo ở ngoài nước (APEFE) và Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Vương quốc Bỉ), đào tạo tiếng Pháp chuyên ngành bảo quản và phục dựng hiện vật cho cán bộ bảo tàng theo, viện trợ trang thiết bị cho phòng kỹ thuật bảo quản và đào tạo thực hành về bảo quản chất liệu kim loại; bảo quản tu sửa chất liệu gốm, xử lý bảo quản hiện vật khảo cổ học tại hiện trường khai quật. Đối tượng đào tạo là cán bộ làm công tác bảo quản tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam và các bảo tàng quốc gia tại Hà Nội và một số bảo tàng địa phương. Dự án này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, giúp ngành bảo tàng nhận thức sâu sắc rằng bảo quản là một bộ môn khoa học, khẳng định sự cần thiết về đào tạo các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo quản của bảo tàng và tạo ra một sự chuyển động về nhận thức và hoạt động thực tiễn trong việc xây dựng chính sách bảo quản của các bảo tàng.
Dự án Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Trung tâm phục chế vật phẩm văn hoá trường Đại học Melbourne đã bảo quản và tu sửa kiệt tác mỹ thuật, tranh “Em Thuý” của danh hoạ Trần Văn Cẩn. Trong thời gian ba tháng chương trình bảo quản phục chế tác phẩm tranh sơn dầu, bảo tàng đã đào tạo 5 cán bộ làm công tác tu sửa phục chế tranh .
 Dự án Bảo tàng Chăm và Bảo tàng Guimet - Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á (Pháp) được thực hiện từ năm 2003-2005, bảo quản, tu sửa các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá Chăm. Bạn đã trang bị cho bảo tàng một số thiết bị kỹ thuật để bảo quản hiện vật bằng phương pháp mới. Chuyên gia đã đào tạo và truyền dạy cho 3 cán bộ bảo tàng nhiều tri thức thuộc lĩnh vực này.
Một hình thức đào tạo tương đối có kết quả trực tiếp là mời chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam và tổ chức các khoá tập huấn ngắn ngày về bảo quản. Trong 2 năm 1995-1996, Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự) đã phối hợp với Bảo tàng Nhiệt đới Hà Lan mở 2 lớp tập huấn về công tác kiểm kê và công tác bảo quản hiện vật cho cán bộ làm công tác kiểm kê và bảo quản của một số bảo tàng, số lượng khoảng 30 học viên/2 lớp. Một số học viên đã được thực tập về bảo quản tại bảo tàng ở Hà Lan.
Trong ba năm 1995-1997, Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hoá) đã phối hợp Trung tâm Bảo quản trường Đại học Canbera, Australia mở 3 lớp đào tạo lớp kỹ thuật bảo quản cho cán bộ làm công tác bảo quản hiện vật. Lớp 1: bảo quản phòng ngừa, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh(30 học viên). Lớp 2: bảo quản phòng ngừa, tổ chức tại Hà Nội (30 học viên). Lớp 3: bảo quản hiện vật chất liệu đá tại thành phố Đà Nẵng (30 học viên).
Cục Di sản văn hoá và các bảo tàng tranh thủ mọi điều kiện có thể để gửi cán bộ đi đào tạo về bảo quản theo chương trình hợp tác với ACCU (Nhật Bản); SPAFA (Thái Lan); ICCROM (Italia); Pháp.
Công tác đào tạo thông qua dự án, tập huấn có ưu điểm là được tổ chức tại bảo tàng, di tích có điều kiện thực tiễn để quan sát, thực hành. Học viên là những người trực tiếp làm công tác bảo quản có ít nhiều kinh nghiệm, có thể đóng góp trao đổi tích cực khi thảo luận. Các giảng viên được mời là những chuyên gia nước ngoài có nhiều năm công tác tại bảo tàng và giảng dạy về bảo quản tu sửa phục chế, tài liệu phong phú và bổ ích.
Đào tạo thông qua tập huấn cũng có nhược điểm là ít ngày, thiếu thời gian để thực hành, thảo luận. Đôi khi đối tượng học viên triệu tập đến tập huấn chưa đủ những tri thức cơ sở để tiếp thu bài giảng, vì vậy hiệu quả chưa cao. Sau khi học xong, nhiều bảo tàng không có điều kiện để áp dụng. Học viên chưa chủ động, tích cực sử dụng tri thức cũng như tài liệu được cung cấp. Với đối tượng, thời gian và điều kiện vật chất hiện tại tổ chức tập huấn về bảo quản phòng ngừa dễ thực hiện hơn là bảo quản kỹ thuật và phục chế.
Từ thực tiễn nêu trên cho thấy ngành bảo tàng nước ta đã và đang bị tụt hậu về công tác đào tạo cán bộ bảo quản, sự tụt hậu này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với công tác bảo vệ di sản và các hoạt động khác của bảo tàng. Nhận thức rằng, đào tạo đội ngũ cán bộ bảo quản của bảo tàng nước ta hiện nay là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp như sau:
            1. Tăng cường công tác đào tạo tại các trường Đại học và Cao đẳng.
            - Cần phải từng bước hình thành đội ngũ giảng viên dạy về công tác bảo quản tu sửa, phục dựng hiện vật bảo tàng. Các giảng viên này có thể là giảng viên thuộc biên chế chính thức của nhà trường hoặc giảng viên kiêm chức mời từ các trường đại học khác, các viện nghiên cứu có liên quan và một số bảo tàng có bộ phận chuyên môn về bảo quản kỹ thuật. Hiện nay có các trung tâm lưu trữ quốc gia I,II,III ; Viện Hóa, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia); Viện Hóa (Tổng Cục Kỹ thuật) ; Viện Tư liệu phim là những đơn vị đã có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng và di tích, có trang thiết bị hiện đại và có nhiều kinh nghiệm trong từng lĩnh vực bảo quản theo chất liệu. 
            - Theo chương trình đào tạo của nước ta hiện nay (ta đào tạo cử nhân bảo tàng, còn đa số chương trình của nước ngoài là đào tạo sau đại học và đào tạo cấp chứng chỉ), hoặc nếu có đào tạo bậc đại học thì họ đào tạo rất chuyên sâu. Vì vậy, chúng ta cần tham khảo tài liệu về chương trình đào tạo bảo quản ở nước ngoài, khảo sát thực tế bảo tàng và di tích Việt Nam để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo bảo quản cho cán bộ bảo tàng và di tích ở Việt Nam cho phù hợp cả ở hai hình thức, đào tạo cho sinh viên và đào tạo nâng cao cho cán bộ đã qua công tác bảo tàng, di tích. Giáo trình cho sinh viên phải được cập nhập những thông tin tư liệu mới của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Tăng cường thời gian giảng dạy và nội dung giảng dạy. Cần có lý thuyết sâu hơn và cùng với thực hành tại phòng thí nghiệm. Xin giới thiệu một trong các chương trình đào tạo về nghiên cứu di sản văn hóa của trường đại học Tổng hợp Canbera, Australia:
Năm thứ nhất:  - Phương pháp nghiên cứu kỹ thuật
                        - Những quan điểm về Nhân học ứng dụng
                        - Hóa học 1A
                        - Khoa học vật liệu - giấy
                        - Các xã hội bản xứ và sự thích nghi
                        - Thông tin trong khoa học
                        - Hóa học 1B
                        - Khoa học vật liệu - tranh
            Năm thứ hai:     - Bảo tàng học
- Quản lý di sản văn hóa
- Khoa học vật liệu - vô cơ
- Giới thiệu di sản văn hóa
- Gìn giữ di sản văn hóa
- Khoa học vật liệu - hữu cơ
            Năm thứ ba:      - Hóa học về vật liệu
                                                - Thực hành bảo quản 1
                                                - Liên kết quản lý di sản văn hóa
                                                - Một số nội dung về quản lý di sản văn hóa 
                                                - Thực hành bảo quản 2
                                                - Hóa phân tích
            - Thư viện của trường phải tăng cường bổ sung, dịch tài liệu về bảo quản (vấn đề này rất quan trọng vì hầu hết sinh viên ngành bảo tàng không đọc được tài liệu bằng tiếng nước ngoài). Trước hết cần các tư liệu từ các tổ chức quốc tế về bảo quản di sản văn hoá như ICOM, ICCROM, CC-ICOM và một số viện, trung tâm bảo quản nổi tiếng trên thế giới như Lucknow (India); Getty (Mỹ); Pháp; Singapore... Tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thông tin trên mạng Internet để có thêm kiến thức về bảo quản tài sản văn hóa.
            - Chương trình học tập phải kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Kinh nghiệm nước ngoài đối với môn bảo quản là khoảng 50% thời gian học tại bảo tàng và phòng thí nghiệm. Vì vậy, các trường cần phải có phòng thí nghiệm với thiết bị máy móc để học cách bảo quản, tu sửa, phục dựng hiện vật và phương tiện nghe nhìn để giảng dạy, tham khảo các nghiên cứu cụ thể. Hàng năm nhà trường nên dành một số tiết cho sinh viên thực hành về bảo quản hiện vật tại các bảo tàng có bộ phận bảo quản tu sửa phục chế hiện vật.
            2. Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo quản chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu về bảo quản
            - Các cán bộ khoa học bảo quản (conservation scientist) phải được đào tạo ít nhất là ở bậc đại học về hoá học, vật lý học có liên quan hoặc khoa học về bảo quản (conservation science). Làm việc trong các phòng thí nghiệm là những cán bộ này. Nguồn cán bộ là từ các trường đại học khoa học tự nhiên.
            - Các cán bộ bảo quản (conservator) phải được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật bảo quản, tu sửa, phục chế di sản văn hoá và cần được tập huấn thường xuyên để nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hành. Nguồn từ các trường đại học văn hoá hoặc khoa học xã hội nhân văn hoặc cán bộ đã công tác tại bảo tàng được đào tạo chuyên sâu và cấp chứng chỉ về đào tạo bảo quản. 
            - Các cán bộ quản lý sưu tập (collections manager), tuy không chuyên sâu như hai dạng cán bộ nói trên nhưng do luôn phải làm việc với các sưu tập vậy các cán bộ quản lý sưu tập cũng phải có những tri thức sâu hơn về bảo quản sưu tập như: chính sách bảo quản hiện vật, tổ chức và vận hành kho, lập kế hoạch và kiểm soát môi trường, bảo quản phòng ngừa.
            - Bên cạnh phương thức chính là đào tạo trong nước (tại nhà trường và tại các bảo tàng), ngành bảo tàng cần phải tăng cường gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, thông qua dự án nước ngoài để học tập công nghệ, kỹ thuật bảo quản của các nước tiên tiến.
            - Các chuyên gia về bảo quản của các bảo tàng quốc gia, đầu hệ cần tổng hợp kinh nghiệm từ thực tiễn thành tài liệu hướng dẫn và phát huy vai trò của họ tham gia vào công tác đào tạo cán bộ bảo quản cho ngành.
            3Xây dựng một số trung tâm, phòng thí nghiệm bảo quản, tu sửa và phục dựng di sản văn hoá tại một số thành phố lớn Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và một số bảo tàng lớn.
            - Cũng như ở các quốc gia phát triển trên thế giới, những trung tâm, phòng thí nghiệm này cùng với mục tiêu bảo vệ di sản còn mang lại lợi ích đào tạo cho toàn ngành, là những cơ sở tốt để giảng viên giảng dạy và sinh viên thực hành, là địa điểm để các nhà bảo quản của bảo tàng thể hiện kỹ năng, đóng góp tri thức của mình, tham gia có hiệu quả vào công tác đào tạo bảo quản, tu sửa và phục dựng hiện vật bảo tàng. Nhiệm vụ cụ thể của trung tâm là:
a.       Nghiên cứu và kiểm tra kỹ thuật các sưu tập hiện vật (theo chất liệu) của bảo tàng và của các bảo tàng, di tích khác (khi có yêu cầu) để đề xuất kế hoạch, dự án bảo quản và tu sửa chúng.
b.       Tham gia vào các dự án bảo quản và tu sửa cùng với các cán bộ nghiên cứu, chuyên gia về các sưu tập; thu thập các tư liệu liên quan đến quá trình bảo quản tu sửa đó.
c.       Phối hợp với các nhà quản lý bảo tàng xây dựng kế hoạch bảo quản phòng ngừa cho sưu tập: xây dựng quy chế, quy định ; xác định thiết bị và vật liệu; đề xuất biện pháp để bảo quản phòng ngừa cho hiện vật;
d.Phối hợp với các trung tâm và phòng thí nghiệm khác trong cả nước hoặc quốc tế tham gia những dự án bảo quản, tu sửa và phục chế di sản của quốc gia hoặc liên quốc gia.
e.       Phổ biến những tri thức về lĩnh vực này thông qua việc xuất bản Thông báo khoa học của bảo tàng và các tác phẩm khác, cũng như việc tham gia giảng dạy đào tạo sinh viên và tập huấn trong ngành.
            4. Nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hành bảo quản tu sửa hiện vật, đưa ra quy trình bảo quản cho từng loại chất liệu hiện vật.

            Bảo quản hiện vật bảo tàng là công việc quan trọng và cũng rất khó khăn. Biện pháp thực tiễn, phổ thông cần thực hiện ngay với mọi bảo tàng là sử dụng các tài liệu hướng dẫn, các chuẩn mực và quy tắc cho việc chăm sóc, bảo vệ sưu tập. Đã có nhiều nước và nhiều hội nghề nghiệp bảo tàng, di sản văn hoá đã biên soạn các hướng dẫn này khá cụ thể và chi tiết ở từng loại sưu tập. Cục Di sản văn hóa mời các chuyên gia bảo quản trong và ngoài nước có thể vận dụng các chuẩn mực ấy, kết hợp với thực tiễn kinh nghiệm bảo tàng ở Việt Nam để xây dựng các tài liệu thực hành. Điều này rất thiết thực cho công tác bảo quản và tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về bảo quản sưu tập hiện vật bảo tàng ở nước ta. 

Lê Thị Minh Lý


Tham luận Hội thảo khoa học- thực tiễn “ Bảo quản hiện vật chất liệu hữu cơ tại bảo tàng và di tích”, ngày 28-29/12/2004
[1] Vương Hồng Quân (2002), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc (bản dịch), tr. 183, Nxb Cổ tích, Thượng Hải. 
[2] Trích báo cáo của một giảng viên khoa Bảo tàng, Đại học Văn hoá tại Hội thảo "Đổi mơi, nâng cao chất lượng đào tạo Bảo tàng học ở Việt Nam" 3/2003
[3] Nguyễn Văn Huy, Báo cáo tại Hội thảo "Đổi mơi, nâng cao chất lượng đào tạo Bảo tàng học ở Việt Nam" 3/2003
[4] SEMEO - SPAFA (South East Asian Ministers of Education Organisation - Regional Center for Archaeology and Fine Arts): Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á - Trung tâm vùng về Khảo cổ học và nghệ thuật. 

Nguồn: http://www.dch.gov.vn/News/?tab=detail&Cid=77&id=118

 
 
Địa chỉ: Tầng 3-4 Nhà D - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 04. 3 5589477 / Email:[email protected]