Home Tin tức - Sự kiện Tin tức - Sự kiện Văn hóa của mình - Đối thoại không gian mở
Thứ sáu, 26-02-2021   
     
Văn hóa của mình - Đối thoại không gian mở

        Bảo tàng Nhân học và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường  (I SEE) tổ chức trưng bày Văn hóa của mình - Đối thoại không gian mở tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQHHN, từ ngày 8 -18/5/2012. Ban tổ chức trân trọng kính mời và rất mong được đón tiếp các quí vị và bạn bè, người thân, những người quan tâm đến đời sống và văn hóa các dân tộc Việt Nam tại triển lãm.

Trưng bày nằm trong chương trình photovoice do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tiến hành và có sự tham gia của 9 nhóm dân tộc: H’mông Si, Dao đen (Yên Bái), Hmông đen, Dao đỏ (Lào Cai), Mường, Thái (Thanh Hóa), Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị) và Khmer (Sóc Trăng).

Trưng bày tập hợp 150 tác phẩm xuất sắc nhất từ hàng trăm ngàn bức ảnh bà con đã chụp trong vòng bốn tháng. Đây là những tấm ảnh có bố cục và màu sắc đẹp, ẩn chứa những thông điệp mạnh về cuộc sống của cộng đồng. Kèm theo ảnh là những câu chuyện thú vị, đầy tính gợi mở. Giá trị đặc biệt của triển lãm, bắt nguồn từ phương pháp photovoice, là những tấm ảnh đều được chụp từ góc nhìn của người trong cuộc, điều mà các tác phẩm nhiếp ảnh chuyên nghiệp khó lòng có được. 

Có thể nói trưng bày trên là một cánh cửa mở ra hàng trăm câu chuyện có đời sống riêng mà người xem có thể đi sâu tìm hiểu.

Những bức ảnh trưng bày cùng nhau nói lên rất nhiều ý nghĩa. Người xem có thể cảm nhận được văn hóa không có cao có thấp, mà đẹp ở sự đa dạng và khác biệt. Người xem cũng sẽ thấy văn hóa đang đem lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng và nếu biết quảng bá còn nâng cao vị thế cho đất nước. Hơn hết, chúng ta sẽ thấy người dân tộc thiểu số chính là những người đang chủ động khám phá, thể hiện và quyết định văn hóa được bảo tồn và tiếp thu như thế nào.

                                                                                                             

Để biết thêm thông tin về trưng bày xin vui lòng liên hệ với đại điện Ban tổ chức.

- ThS Bùi Hữu Tiến (Bảo tàng Nhân học)

Tel 043.558.9744/ 0986848649; Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

- ThS Vũ Phương Thảo (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường)

Tel: 0989756681 / 04-62737933; Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

                alt

                  alt

 

 Một số bức ảnh tham gia trưng bày:
 
alt
 Gùi củi - Bức ảnh do Hồ Thị Bụi, người Pa Cô, dân tộc Tà Ôi, Quảng Trị chụp. 
 
“Củi được gắn liền với người phụ nữ Pa Cô, mỗi lần đi rẫy, đi rừng người phụ nữ đều tranh thủ lấy những gùi củi lớn cho gia đình mình. Người ta nhìn đống củi to, được sắp xếp ngăn nắp để đánh giá sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ”. 
 
Trong ảnh là chị Hồ Thị Pheng, 26 tuổi, thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt. 
 
alt
Một tác phẩm khác của Hồ Thị Bụi: Hái tiêu.
 
“Xung quanh nhà người Pa Kô họ thường trồng một số cây gia vị như: ớt, giềng, hạt tiêu. Đây là hình ảnh người phụ nữ Pa Kô đang hái hạt tiêu làm gia vị cho bữa ăn trong gia đình”. 
 
alt
Cúng thần rừng của Hồ Văn Niên, dân tộc Pa Cô, Quảng Trị. 
 
“Cumorbar là thần bà là thần liên quan đến sinh sôi nảy nở, làm ăn, buôn bán mà người Pa ko chúng tôi rất kính trọng. Gia đình nào hàng năm đều phải cúng thần bà. Trong 5 năm gia đình nhà người đàn ông Pa Kô này làm ăn tốt, chăn nuôi gia súc, gia cầm đều sinh sôi nảy nở. Năm nay, anh phải tạ lễ cho thần bà một con dê, vì anh hứa khi làm ăn được thì sẽ cúng dê.”
 
alt
Xúc cá bống của Hồ Thị Rổ, dân tộc Pa Cô, Quảng Trị. 
 
“Con cá bống trơn được cô dâu người Pa Kô xúc được trong lần xúc đầu tiên và đang nằm trong tay bà mẹ chồng. Theo quan niệm của người Pa Kô, sau bữa ăn tân hôn cô dâu xúc được con cá bống trơn sau sẽ là người thông minh, nhanh nhẹn, có nề nếp, tuy nhiên lại là người khó bảo, ít nghe lời nhưng lại biết làm ăn trong cuộc sống vợ chồng sau này.”
 
alt
Thuốc đắng của Hồ Thị Nguyệt, người Vân Kiều ở Quảng Trị. 
 
“Ở người Vân Kiều, sau khi lâm bồn sản phụ được uống thuốc đắng (đợ tăng) để đẩy máu bẩn trong cơ thể ra ngoài, làm cổ tử cung co lại và sản phụ nhanh hồi phục sức khỏe. Trong nhà có người mang thai thì mẹ đẻ, mẹ chồng, các cô, gì, chị gái, chị dâu... thường đi hái về phơi khô, cất giữ cẩn thận đến lúc đẻ thì nấu cho sản phụ uống.”
 
alt
Đám cưới Dao của Lý Mẩy Pham, người Dao ở Sa Pa. 
 
“Ảnh này chụp biểu diễn đám cưới Dao trong lễ hội Gầu tào huyện tổ chức. Người Dao khi đón dâu nhà trai phải thổi kèn, đánh trống chiêng.”
 
alt
Tắm nước nóng của Giàng A Của, người H'mông ở Sa Pa.
 
“Bà con người Hmông ở Tả Phìn đi tắm vũng nước nóng tự nhiên ở Tân Yên, Than Uyên. Nếu ai bị ghẻ hay có bệnh ngứa đến tắm sẽ khỏi. Vì thế, nhiều người dân rủ nhau đến tắm rất đông và không phải trả tiền.”
 
alt
Hai chị em của Sùng A Ký, người H'mông ở Sa Pa.
 
“Ba bố con thăm ruộng, em thấy 2 đứa con đáng yêu và thời tiết hôm đấy cũng đẹp nên em chụp chơi thôi.”
 
alt
 Tập thêu thổ cẩm của  Má Thị Sớ, Sa Pa.
 
“Mấy đứa này mới 8 tuổi đang tập thêu. Bắt đầu thêu từ đầu, những cái đơn giản nhất. Đứa này không biết thì dạy đứa kia. Đứa lớn biết làm thì dạy cho đứa nhỏ hơn. Đứa nhỏ đang xem để học, nó chưa biết làm nên nó chưa tập thêu.”
 
alt
Lễ lạy mặt trời của Hồng Tam Bửu người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.
 
“Cô dâu Lý Thị Thanh Tâm (19 tuổi) và chú rể Tìa Phương Thái (20 tuổi) trong trang phục truyền thống đang làm lễ lạy mặt trời. Đây là nghi thức bắt buộc phải được thực hiện ở nhà gái vào khoảng 4h30 sáng, trước lúc đón dâu về nhà trai. Người Khmer quan niệm rằng, hai người được cha mẹ sinh thành thì khi kết hợp với nhau phải làm lễ tạ mặt trời, nhờ mặt trời chứng kiến và cầu trời cho phát tài phát lộc. Lễ này làm kế hông nhà gái, quay mặt qua hướng đông.”
 
alt
Nhà sư dùng bữa của Trần Thị Huỳnh Mai người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.
 
“Các tăng sư ở chùa Bốn Mặt, xã Phú Tân trong bữa cơm trưa do người dân dâng vật thực đến chư tăng trong lễ Tãi bát. Lễ này thường làm nhân dịp lễ cầu an, cầu phúc. Khi tham gia lễ này thì người dân có dịp làm phước, dâng cúng cho người đã khuất. Trước khi dùng cơm thì ông lục cầu an cho người đã khuất, sau khi dùng thì cầu phước cho người còn sống.”
 
alt
Làm gối của Trương Thị Thủy người dân tộc Mường ở Thanh Hóa.
 
“Bà Hà Thị Vân, 68 tuổi, thôn Giầu Cả, xã Lương Ngoại,  Bá Thước, Thanh Hóa. Bà Vân làm cái gối đầu của người Mường.”
 
alt
Bế củi của Bùi Thị Tuyền, người dân tộc Thái ở Thanh Hóa.
 
“Dân tộc Thái, chỉ có phụ nữ biết bế củi, đàn ông không biết bế, mà phụ nữ dân tộc khác cũng không biết bế củi. Mỗi bế củi khoảng 40-50 cân, treo dây lên đầu và tựa vào lưng.”
 
alt
Ống tre dẫn nước của Sùng A Của người dân tộc H'mông ở Yên Bái. 
 
“Bức ảnh chụp này trên đỉnh cao nhất của Suối Giàng (1400m so với mực nước biển). Vì là vùng sâu vùng xa không có nước nên người ta phải dùng ống tre bổ đôi ra để dẫn nước về nhà. Cách dẫn nước bằng máng là cách làm truyền thống của người Hmông. Một cái máng này có thể dẫn về chia ra để  5- 6 hộ dùng, người ta phân công nhau canh chừng nước chảy và sửa chữa máng.”
 
Nguồn ảnh :http://dvt.vn

 

 
 
Địa chỉ: Tầng 3-4 Nhà D - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: 04. 3 5589477 / Email:[email protected]