Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh Cả của Lực lượng vũ trang nhân dân, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta lúc 18h09 phút ngày 4/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội. Để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng Tổng Tư lệnh”.
Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh hiện vật khắc họa một cách khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba, văn võ song toàn - một thiên tài quân sự đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển lãm gồm với 6 phần:
1. Thời niên thiếu của Đại tướng.
2. Đại tướng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
3. Đại tướng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
4. Đại tướng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Đại tướng với bạn bè quốc tế.
6. Đại tướng trong cuộc sống đời thường.

- Những nội dung này được thể hiện qua những hình ảnh, hiện vật quý, đó là những hình ảnh về quê hương làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên; phụ mẫu là ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân) - một nhà nho đức độ và bà Nguyễn Thị Kiên; cùng những hình ảnh giới thiệu về quá trình đến với cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như: ngôi trường Quốc học Huế, những Tờ báo và những người bạn cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian ông học tập và hoạt động cách mạng ở Huế, Hà Nội những năm 1927 - 1940.
- Trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị là Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ luôn song hành cùng với những chiến thắng vang dội của Quân đội và nhân dân từ khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945) cho đến khi đánh bại thực dân Pháp giải phóng miền Bắc (năm 1954) như: hình ảnh về Toàn Quốc kháng chiến, chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, chiến thắng Biên Giới năm 1950, đặc biệt là Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ngoài ra, trong nội dung này còn trưng bày nhiều hình ảnh thể hiện sự gần gũi, gắn bó như hình với bóng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và người học trò xuất sắc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Biên Giới hay trong những sinh hoạt thường ngày ở chiến khu Việt Bắc.
- Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng luôn sâu sát, gần gũi, động viên, thăm hỏi cán bộ chiến sỹ với những cử chỉ ân cần, gần gũi, cách trò chuyện thân tình, cởi mở giữa vị Tổng Tư lệnh và các chiến sĩ, thể hiện tình thương yêu mà Đại tướng dành cho cán bộ, chiến sĩ thật ấm áp. Đồng thời thể hiện tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội dành cho vị Đại tướng Tổng Tư lệnh thật đặc biệt, đó là sự yêu mến, kính trọng và niềm tin tuyệt đối. Nhiều hình ảnh, hiện vật thể hiện Đại tướng đã cùng với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đề ra những quyết sách quan trọng trong xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy hiện đại; cùng với nhân dân hai miền Nam Bắc lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ ở miền Nam và đập tan hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
- Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, triển lãm khắc họa hình ảnh Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng sau Đại thắng mùa xuân 1975 luôn giản dị, gần gũi, “thắng không kiêu, bại không nản” - như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn quan tâm đến cán bộ chiến sỹ. Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực, rồi làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), trên cương vị nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn giữ vững bản chất cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
- Với bạn bè quốc tế: Là một vị tướng huyền thoại, góp phần quan trọng đánh bại “hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bạn bè trên thế giới kính trọng, nhiều học giả nghiên cứu, nhiều báo chí và chính khách của các nước trên thế giới đã không tiếc lời ngợi ca Đại tướng là một thiên tài quân sự, người có ảnh hưởng lớn lao trong thế kỷ XX.
- Trong cuộc sống đời thường: Triển lãm giới thiệu nhiều hình ảnh thể hiện tinh thần ung dung, thư thái của Đại tướng Tổng Tư lệnh khi về với đời thường như chăm sóc vườn hoa cây cảnh trong gia đình; tiếp đón đồng đội, bạn bè trong và ngoài nước đến thăm; thăm lại chiến trường, đồng đội xưa; thăm hỏi, động viên các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ, đồng bào nhân dân đã đùm bọc chở che cho cách mạng, cho Đại tướng và những người chiến sỹ của ông vượt qua những thử thách cam go trong cuộc chiến một mất một còn với quân địch. Bên cạnh đó, một công việc được Đại tướng Tổng Tư lệnh yêu quý đó là nghiên cứu, viết sách báo, hồi ký và tổng kết các cuộc chiến đấu mà Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy. Đã có hàng chục đầu sách do Đại tướng Tổng Tư lệnh biên soạn, hàng trăm đầu sách của các tác giả trong và ngoài nước viết về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được trưng bày trong triển lãm này.
Triển lãm “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng Tổng Tư lệnh” trưng bày tại Bảo tàng LSQS Việt Nam là một nén tâm hương kính dâng và tri ân những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
Nguồn:http://www.btlsqsvn.org.vn/